Tại Đồng Nai không thiếu những người trẻ tốt nghiệp đại học ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng vẫn sẵn sàng bỏ công việc có mức lương cao tại các thành phố lớn về quê lập nghiệp. Họ nhìn thấy cơ hội phát triển trong nông nghiệp và luôn nỗ lực chọn cho mình lối đi riêng khi khởi nghiệp.

Nhiều dự án khởi nghiệp thành công nhờ làm ra những sản phẩm độc đáo. Chị Bùi Thị Phú tại xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ) là người tiên phong tại Đồng Nai đầu tư nuôi đông trùng hạ thảo. Chị mất 3 năm nghiên cứu, thử nghiệm mới nuôi trồng thành công loại dược liệu quý này. Không chỉ ứng dụng những công nghệ, kỹ thuật cao trong khâu nuôi trồng với quy trình khép kín trong phòng lạnh, chị còn đầu tư trong khâu chế biến để có nhiều dòng sản phẩm như: đông trùng hạ thảo tươi, khô, viên nén… bán với giá cao tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Là Việt kiều hồi hương, anh Võ Hoài Thanh, Giám đốc Hợp tác xã Winnyfood (huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) chọn đầu tư vào dự án sản xuất rau sạch, nhất là các loại đặc sản rau rừng. Anh đã đem các loại đặc sản rau rừng của Tây Ninh giới thiệu tại chương trình Kết nối tiêu thụ hàng hóa và đặc sản vùng miền, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa và hải đảo thông qua hệ thống chợ tại chợ đầu mối nông sản Dầu Giây (huyện Thống Nhất) mong mở rộng kênh phân phối.

Anh Thanh cho hay: “Tuy được trồng nhưng các loại rau rừng của chúng tôi vẫn thuần chất tự nhiên vì không lạm dụng phân, thuốc. Dòng sản phẩm rau cao cấp này hiện chủ yếu cung cấp cho hệ thống các quán ăn, nhà hàng ở các thành phố lớn. Chúng tôi đang mở rộng đầu tư vùng chuyên canh vừa phát triển kênh tiêu thụ cho dòng đặc sản này”.

Mới thành lập được vài tháng trở lại đây nhưng Công ty TNHH khổ qua rừng Hiệp Vân (xã Xuân Tân, TX.Long Khánh) đã sớm được thị trường biết tiếng nhờ chuyên làm những món đặc sản không đụng hàng từ nguyên liệu khổ qua rừng.

Chị Trần Thị Hồng Vân, Giám đốc Công ty TNHH khổ qua rừng Hiệp Vân chia sẻ: “Rau rừng của chúng tôi sớm có tiếng trên thị trường vì không chỉ đáp ứng nhu cầu rau sạch mà còn là thực phẩm tốt cho sức khỏe. Để có nguồn rau an toàn, chúng tôi đã liên kết với nông dân xây dựng vùng chuyên canh khổ qua rừng theo hướng hữu cơ”.

Theo anh Nguyễn Cao Cường, Bí thư Tỉnh đoàn, hiện có xu hướng những người trẻ tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng về quê nhà chọn nông nghiệp để khởi nghiệp. Bên cạnh đó là các mô hình phát triển kinh tế của đoàn viên là bộ đội xuất ngũ về quê lập nghiệp kết hợp với đảm bảo an ninh trật tự địa phương. Ngày càng có nhiều trang trại trẻ, gương điển hình phong trào lập thân lập nghiệp ở nông thôn.

Nguồn: Báo Đồng Nai